Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013



[04/01/2013 12:06:12]
Căn nhà 446 - 448 Nguyễn Thị Minh Khai có khuôn viên 788m2, liền kề với khu đất là trụ sở chính của ngân hàng ACB hiện nay.

UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa có văn bản số 6497/UBND-PCNC ngày 15/12/2012 về giải quyết khiếu nại của bà Vương Thị Khanh và ông Phan Bình liên quan đến căn nhà 446 – 448 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3.

Theo đó, ngân hàng ACB buộc phải bàn giao trụ sở này cho chủ cũ do trước kia UBND Tp đã xác lập quyền sở hữu Nhà nước không đúng pháp luật.

Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi đã cuộc trao đổi ngắn ông Nguyễn Thanh Toại, phó TGĐ của ngân hàng ACB.Ông Toại cho biết, căn nhà 446 – 448 Nguyễn Thị Minh Khai do ngân hàng thuê lại của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà Thành phố. UBND Thành phố đã có văn bản yêu cầu ACB phải trả lại nhà cho chủ cũ thì ngân hàng sẽ thực hiện theo đúng chủ trương của Nhà nước.

Được biết, căn nhà 446 – 448 Nguyễn Thị Minh Khai là dạng biệt thự song lập với khuôn viên 788 m2. Từ năm 2001, bà Vương Thị Khanh và ông Nguyễn Đắc Kha đã làm đơn khiếu nại nhiều nơi về việc bị UBND Thành phố thu hồi ngôi nhà này.

Tháng 6 năm 2011, Bộ Xây Dựng đã có quyết định cuối cùng giải quyết khiếu nại của hai cá nhân nêu trên và công nhận quyền sở hữu của ông Kha và bà Khanh với cắn nhà số 446 – 448 Nguyễn Thị Minh Khai. Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu UBND Tp. HCM hủy bỏ quyết định số 896 ngày 28/9/1999 về việc xác lập sở hữu Nhà nước đối với căn nhà trên, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố thanh lý hợp đồng thuê nhà đã ký giữa công ty quản lý kinh doanh nhà và ngân hàng Á Châu để giao trả căn nhà này lại cho chủ sở hữu.

Căn nhà 446 – 448 cũng là khu đất liền kề với trụ sở của ngân hàng ACB tại địa chỉ số 442 Nguyễn Thị Minh Khai.

Tại ĐHCĐ bất thường của ngân hàng ACB ngày 26/12 vừa qua, đại diện ACB cho biết hiện ngân hàng đang xây dựng trụ sở mới tại khu vực sát ngã tư Mạc Đĩnh Chi - Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014.

Nguyễn Hằng
Theo TTVN


[04/01/2013 13:43:57]
TP - Năm 2013 được dự báo lượng nước về các hồ thuỷ điện giảm mạnh, sẽ đẩy giá thành sản xuất điện lên cao. Cộng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn phải tăng giá để bù lỗ cho những năm trước, đây là những lý do để EVN tăng theo chu kỳ ba tháng một lần?

Ba tháng tăng một lần?

Ngày 20-12-2012, Bộ Công thương cho phép EVN tăng giá điện bình quân tăng từ 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh (tăng khoảng 5%) và được áp dụng từ ngày 22-12, với mức tăng này, EVN sẽ tăng thu hơn 7.000 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Phó tổng giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri cũng không ngại ngần khi tuyên bố, giá điện năm 2013 có khả năng tiếp tục tăng với mức cao hơn trong năm 2012. Điều này thực sự là “gánh nặng” đối với người dân và doanh nghiệp.

Một lý do khách quan thấy rõ và cũng là yếu tố quyết định trong năm 2013 để EVN có thể thực hiện điều chỉnh giá điện đó là lượng nước về các hồ thủy điện lớn trên cả nước năm nay thấp hơn nhiều so với năm 2012 và 2011.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tạ Văn Luận, Giám đốc thủy điện yaly cho biết, lượng nước về hệ thống ba hồ chứa thuộc quyền quản lý của Cty trong quý IV-2012 chỉ bằng khoảng 50% của năm trước và bằng 2/3 trung bình nhiều năm.

Lượng nước về các hồ chứa vùng duyên hải miền Trung còn giảm mạnh hơn. Lượng nước về các hồ chứa giảm thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp điện cho sản xuất trong các tháng mùa khô sắp tới.

Giám đốc nhà máy thủy điện Trị An, ông Nguyễn Kim Phúc cũng xác nhận mùa mưa năm 2012 ở phía Nam chấm dứt sớm nên lượng nước ở hồ Trị An đang xuống thấp hơn so với các năm trước 1m – 2m. Ít nước sẽ khiến việc cấp điện trong mùa khô năm nay sẽ khó khăn, không thuận lợi.

Với cơ cấu thủy điện chiếm khoảng 50% trong tổng cơ cấu nguồn phát điện như hiện nay, việc EVN phải chi ra khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng để chạy dầu bù cho việc thiếu hụt vài tỷ kWh của thủy điện trong năm 2013 là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Những tín hiệu xấu khác có thể cho thấy việc tăng giá điện có thể xảy ra cũng được nhìn thấy: Thứ nhất, giá điện hiện nay, theo EVN, vẫn chưa được tính hết chi phí.

Các khoản bù lỗ chênh lệch tỷ giá tới hơn 26.600 tỷ đồng, lỗ kinh doanh do phải mua dầu giá cao để phát điện của các năm trước chưa được đưa vào giá điện, trong khi Chính phủ yêu cầu các khoản nợ, lỗ này sẽ phải đưa dần vào giá điện từ nay đến 2015 cũng là yếu tố sẽ khiến giá điện sẽ còn phải tăng dù EVN có lãi.

Tại cuộc họp báo về điều chỉnh giá điện hôm 20-12-2012, Phó tổng giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri cho biết, dù năm 2012, ngành điện lãi 3.500-4.000 tỷ đồng, nhưng tổng mức tăng chi của EVN do giá than tăng khoảng 900 tỷ đồng trong năm 2012, cùng với đó giá khí cho điện trước đây cũng rẻ, nhưng năm 2010 đã tăng khoảng 35%, năm 2012 tăng tiếp, từ ngày 1-1-2013 sẽ tăng nữa... sẽ là những yếu tố khiến đầu vào của EVN sẽ tăng.

5 khuyến nghị điều chỉnh giá điện

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết năm 2012 là năm rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành thép bị lỗ. Việc giá điện hai lần tăng trong năm 2012 khiến các doanh nghiệp trong ngành tăng chi phí lớn, trong khi sản xuất đầu ra gặp khó khăn.

“EVN độc quyền nên tăng giá điện phải minh bạch, rõ ràng. Đầu ra của ngành thép trong năm tới còn rất khó khăn nên điện tăng giá đồng nào là khó đồng đó. Với mức công suất của ngành hiện nay, chi phí tiền điện của các doanh nghiệp trong năm 2013 chắc chắn sẽ bị đội thêm hàng trăm tỷ đồng”- Ông Nghi cho biết.

Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) vừa có 5 khuyến nghị gửi các cơ quan quản lý về quản lý, điều chỉnh giá điện ở Việt Nam.

Theo đó, về nguyên tắc điều chỉnh giá điện, Việt Nam cần cân nhắc điều chỉnh giá điện theo từng cấu phần của giá điện (giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối và giá bán lẻ), đồng thời cần hoàn thiện bộ tiêu chí về các chi phí cơ bản trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện; Chính sách giá điện cần theo hướng đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không nên đặt ra quá nhiều mục tiêu chính sách trong giá điện, tiến tới thị trường hóa giá điện.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường cơ chế giám sát về điện và giá điện. Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần phối hợp để đưa ra những bộ tiêu chí cập nhật và hiệu quả hơn trong quản lý và điều hành giá điện.

Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy nhanh tự do hoá ngành điện. Tiến tới Nhà nước chỉ quản lý khâu truyền tải điện.

Tuy nhiên cần phải có lộ trình, trước mắt cần đẩy mạnh tự do hoá thị trường phát điện theo đúng lộ trình: Tiến hành cổ phần hoá các công ty sản xuất điện của EVN, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường phát điện; Thực hiện công khai trong đấu thầu điện ở khâu phát điện để đưa lên lưới truyền tải; bình đẳng giữa các nhà máy điện độc lập và các nhà máy điện thuộc tập đoàn.


Đừng để EVN đề xuất việc tăng giá
Theo TS Vũ Đình Ánh, để cân đối được cả về mức tăng giá, tần suất tăng, thời điểm tăng giá, nên giao cho một cơ quan quản lý cấp trên thực hiện chứ không nên để cho EVN tính toán và đề xuất như quy định hiện nay, dù là ở mức 5%.
Bởi điều hành giá điện tác động đến toàn thể nền kinh tế nên phải để ở cấp có khả năng bao quát, đánh giá tốt hơn quyết định việc tăng giá điện. Còn nếu để như hiện nay thì cứ thấy chỉ số lạm phát (CPI) thấp EVN sẽ lại đề xuất tăng giá ngay.

Theo Phạm Tuyên
Tiền Phong


[04/01/2013 14:13:33]
Ngày 29/12/2012, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) đã hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ lên 5550 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 17/12/2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản về việc chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) tăng vốn điều lệ theo phương án đã trình.

Sau đó, ngày 25/12/2012, TienPhong Bank đã được UBCKNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.550 tỷ đồng.

Nhà đầu tư và danh sách nhà đầu tư tăng vốn được Đại hội đồng cổ đông TienPhong Bank ủy quyền cho Hội đồng Quản trị lựa chọn, đảm bảo là các cổ đông có tiềm lực tài chính mạnh, mong muốn gắn bó với ngân hàng.

Ông Nguyễn Hưng- Tổng Giám đốc TienPhong Bank cho biết, với nguồn vốn tăng thêm, TienPhong Bank sẽ đẩy mạnh nâng cao hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới, kênh phân phối và đặc biệt đầu tư phát triển theo chiều sâu các sản phẩm dịch vụ mới là lợi thế riêng có của TienPhong Bank…


[04/01/2013 15:35:20]
Theo thông báo mới nhất về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố ngày 4/1, tại Hà Nội, dự kiến vốn FDI đăng ký trong năm 2013 sẽ đạt từ 13-14 tỷ USD và vốn thực hiện đạt khoảng 10,5-11 tỷ USD, tương đương năm 2012.

ể tăng cường thu hút vốn FDI trong năm 2013, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trước mắt, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt đến quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Cục cũng cải tiến căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và theo đối tác; tránh tình trạng xúc tiến đầu tư tràn lan; tăng cường cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả; đồng thời, giảm rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có nhu cầu. Mặt khác, xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để hạn chế các dự án không khuyến khích đầu tư.

Tính đến ngày 15/12/2012, có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 14.489 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 213,6 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 13,6% tổng vốn đăng ký.

Chỉ tính riêng từ 1/1 đến 15/12/2012, cả nước có 1.100 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,01 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2011. Vốn thực hiện cũng đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% năm 2011. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,1 tỷ USD, chiếm 70% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2012.

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Đỗ Nhất Hoàng, thu hút FDI vào Việt Nam năm 2012 tuy có giảm về vốn đăng ký so với năm 2011 những vẫn có nhiều điểm sáng đáng chú ý như: lượng vốn đăng ký thêm của những dự án đã thực hiện tăng tới 58,5% so với năm 2011, điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đang làm ăn tại Việt Nam vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như triển vọng trong tương lai nên sẵn sàng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Phần lớn các dự án FDI trong năm 2012 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất (chiếm 70%), phù hợp với định hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Bên cạnh đó, khu vực FDI tăng trưởng tốt về xuất khẩu và nộp ngân sách tăng...

Về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, tính đến 20/12/2012, có 712 dự án Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. V ốn thực hiện trong năm 2012 cũng đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011. Dự kiến, năm 2013 vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam sẽ vào khoảng 1-1,5 tỷ USD (vốn đăng ký) và khoảng 900 triệu USD đến 1 tỷ USD (vốn thực hiện)./.




[04/01/2013 16:13:21]
Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương để TRUSTBank tiến hành đại hội cổ đông theo đề án tái cấu trúc.

Cuối tháng 12/2012 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương để Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (TRUSTBank) tiến hành Đại hội cổ đông theo đề án tái cấu trúc. Hiện TRUSTBank đang bổ sung thêm một số tài liệu trình Ngân hàng Nhà nước để có thể sớm tiến hành tổ chức Đại hội cổ đông, dự kiến cuối tháng 1/2013.

Nằm trong nhóm các ngân hàng tái cấu trúc, TRUSTBank đã có phương án chủ động tự tái cơ cấu trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Trên cơ sở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 6/9/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 652/NHNN-TTGSNH chấp thuận nguyên tắc phương án tái cơ cấu TRUSTBank.

Theo tiến trình này, TRUSTBank tự tái cơ cấu, mà không sử dụng vốn ngân sách. Chiến lược tái cấu trúc đã được hoạch định, Hội đồng Quản trị, Ban lãnh đạo TRUSTBank đã đồng thuận trước thềm Đại hội cổ đông. Theo chương trình, tại Đại hội sẽ thông qua một số báo cáo quan trọng, trong đó có báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo đề án tái cơ cấu ngân hàng, phương án thay đổi, bổ sung nhân sự Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát...

Chiến lược kinh doanh TRUSTBank trong giai đoạn 2013-2015 trong phương án tái cơ cấu sẽ là một trong những nội dung quan trọng sẽ được Hội đồng Quản trị, Ban điều hành TRUSTBank trình bày tại Đại hội cổ đông.
Theo Vneconomy

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012


Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank) vừa ra mắt sản phẩm "Chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu" dành cho doanh nghiệp sau khi đã giao hàng và hoàn thiện bộ chứng từ xuất khẩu.

Khi sử dụng sản phẩm này, doanh nghiệp xuất khẩu có thể nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách cấp tín dụng cho đối tác nhập khẩu dưới hình thức thanh toán trả chậm, đồng thời, vẫn dễ dàng chuyển các khoản phải thu thành tiền mặt, tăng cường khả năng thanh khoản và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Với tỷ lệ chiết khấu lên tới 95%, thời gian chiết khấu linh hoạt và lãi suất thấp, sản phẩm mới sẽ giúp doanh nghiệp giảm được tối đa áp lực tài chính.
Để hỗ trợ khách các thủ tục chiết khấu cũng được BAOVIET Bank thiết kế theo hướng đơn giản và linh hoạt hơn so với hình thức vay vốn thông thường. Việc đòi nợ từ ngân hàng thanh toán, đối tác nhập khẩu được chuyển sang cho BAOVIET Bank. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên nhiều kinh nghiệm cũng sẽ tư vấn và hỗ trợ khách hàng ngay từ khâu thiết lập bộ chứng từ, kiểm tra bộ chứng từ đảm bảo phù hợp với các điều kiện trong hợp đồng hay LC xuất khẩu.
Trong thời gian triển khai chương trình, BAOVIET Bank dành tặng nhiều ưu đãi. Cụ thể giảm 5-10% lãi suất chiết khấu so với lãi suất chiết khấu thông thường trong 3 tháng đầu và miễn phí chiết khấu cho các khách hàng chiết khấu trước 31/3/2013. Ngoài ra, khách hàng được miễn phí Internet Banking, trả lương qua tài khoản, quản lý tài khoản tập trung trong vòng một năm kể từ ngày thực hiện chiết khấu.
Để được tư vấn và biết thêm thông tin chi tiết, khách hàng liên hệ điểm giao dịch BAOVIET Bank gần nhất hoặc gọi 1900558848.

Với chủ đề "Tết hội ngộ, Xuân sum vầy", từ 1/1/2013 đến 28/2/2013, khách hàng tới các điểm giao dịch MHB thực hiện giao dịch nhận tiền qua hệ thống Western Union sẽ có cơ hội trúng những giải thưởng hấp dẫn.

Chương trình có hai giải vàng là chuyến du lịch Hàn Quốc, giá trị mỗi giải 25 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 5 giải bạc là chuyến du lịch Singapore - Malaysia, mỗi giải trị giá 16 triệu đồng.
Khách hàng sẽ nhận được thẻ cào sau khi kết thúc giao dịch nhận tiền kiều hối Western Union. Cào lớp tráng bạc tại phần quy định trên phiếu, khách hàng xem nội dung để xác định trúng thưởng theo cơ cấu giải thưởng nêu trên.
Thẻ cào trúng thưởng là thẻ cào có dòng chữ "Chúc mừng quý khách trúng thưởng chuyến du lịch tới Hàn Quốc" hoặc "Chúc mừng quý khách trúng thưởng chuyến du lịch tới Singapore - Malaysia". Thẻ cào không trúng thưởng có dòng chữ "Chúc may mắn lần sau".
Khách hàng xem thông tin chi tiết chương trình khuyến mại tại đây.

Copyright © 2012 Hàng Điện Tử| Design by Blogspot Templates.